• Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Liên hệ
logo
add image

Đoàn công tác Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên dâng hương tưởng nhớ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Ngày đăng

Trong một ngày giữa đầu Tháng bảy oi ả, dưới cái nắng nóng của vùng đất Núi Ấn-Sông Trà của Quảng Ngãi, đoàn công tác của Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên đế dâng hương Khu Lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại làng Thi Phổ Nhất, nay thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, cách thành phố Quảng Ngãi hơn 20 km, về phía nam. Đây cũng là nơi ông sinh ra và sống những ngày thơ ấu cùng gia đình.

Cả cuộc đời vì nước vì dân

Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bí danh Anh Tô), sinh ngày 1-3-1906 trong một gia đình nho học tại xóm Cây Gạo, làng Thi Phổ Nhất, nay thuộc xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ông không những là một nhà lãnh đạo tài năng, uy tín, một nhà văn hóa lớn của đất nước, mà còn là một nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng, Nhà nước và cách mạng Việt Nam; được bạn bè quốc tế kính trọng, khâm phục và là "một trong những nhân vật xuất sắc và có ảnh hưởng lớn nhất ở Việt Nam trong thế kỷ 20".

Trong suốt 15 năm đầu đi theo con đường cách mạng (1926-1940), đồng chí luôn vượt qua mọi khó khăn, gian nguy, mang hết nhiệt tình, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho cách mạng với niềm tin sắt đá vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Trước ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ đến tháng 1/1949, đồng chí là Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ. Đồng chí đã có những cống hiến và sáng tạo trong việc xây dựng vùng tự do Nam-Ngãi-Bình-Phú, xây dựng và củng cố căn cứ địa kháng chiến, thực hiện khẩu hiệu tự lực cánh sinh, chuẩn bị thực lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Đồng chí còn chỉ đạo việc thành lập và trực tiếp giảng dạy tại Trường Trung học Bình dân Nam Trung Bộ.

Khoảng tháng 2/1949, đồng chí được điều động trở lại công tác tại Việt Bắc được bổ sung làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, sau đó là Phó Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 1951 đến 1986, được bầu vào Bộ Chính trị. Từ năm 1955 đến 1987, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao trọng trách Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí còn kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng trong những năm 1954-1955. Trong thời gian từ 1986-1997, đồng chí là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Suốt 41 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 năm là Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng là nhà lý luận chính trị và văn hóa xuất sắc, giàu kinh nghiệm thực tiễn, có tầm nhìn chiến lược, tư duy luôn năng động, tình cảm luôn chan hòa với nhân dân, nhạy cảm, thấu hiểu nguyện vọng của đồng bào. Ông có nhiều đóng góp lớn trong việc hoạch định, làm thấu suốt và chỉ đạo thực hiện đường lối của cách mạng Việt Nam. Đồng chí Phạm Văn Đồng cũng là người học trò xuất sắc, người nghiên cứu và thực hành mẫu mực tư tưởng, đạo đức đức Hồ Chí Minh.

"Nhớ ơn bác Tô"

Thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng (bí danh Anh Tô) là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ hôm nay và mai sau- nhất là thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Khu lưu niệm được thiết kế theo lối kiến trúc thân thiện, rộng mở, hài hòa, nhưng không kém phần trang trọng trong tổng thể không gian văn hóa của huyện Mộ Đức với diện tích 2 ha, gồm các hạng mục nhà đón khách, phòng chiếu phim, nhà trưng bày, tủ sách lưu giữ các tác phẩm của cố Thủ tướng, sân vườn, đường nội bộ.

Vừa chụp hình cho các anh chị em trong đoàn, chị Trần Thị Thùy Dương – Cán bộ Văn Phòng LĐLĐ tỉnh chia sẻ: “ Đây là lần đầu tiên tôi được đến đây, được hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp cố Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; là vị Thủ tướng Việt Nam tại vị lâu nhất (1955-1987). Ông là học trò ưu tú, cộng sự đắc lực, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà thế hệ chúng tôi đã biết, mặc dù giữ cương vị cao nhưng qua những hiện vật trưng bày ở nơi đây, cho thấy cố thủ tướng Phạm Văn đồng là người sống giản dị và gần gũi; Thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay càng phải cố gắng phấn đấu trau dồi đức cách mạng, nâng cao trình độ chuyên môn để góp phần đưa đất nước phát triển nói chung và tổ chức Công đoàn Việt Nam nói riêng ”.

QN2.jpg

Từ khi đi vào vào hoạt động, đến nay khu lưu niệm đón hàng trăm ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu, và nơi đây hiện đã trở thành “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống, lòng yêu nước cho mọi thế hệ người dân Việt Nam. Đồng thời, nguyện tiếp tục đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã chọn và “quyết tâm thực hiện niềm mong ước của Bác lúc sinh thời là: Nước được độc lập, dân được tự do, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Khu lưu niệm hiện lưu giữ số lượng lớn những hình ảnh, tư liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời hoạt động Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong nhiều giai đoạn lịch sử của cách mạng Việt Nam. Đây cũng là địa chỉ đỏ, là nơi giáo dục, bồi dưỡng truyền thống cách mạng của dân tộc, của quê hương đối với các thế hệ mai sau[1].



[1] Bài viết có sử dụng một số thông tin tại Khu Lưu niệm cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng


Tác giả: Bài và ảnh: Tiến Dũng

Để lại bình luận

Top