• Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Liên hệ
logo
add image

Cô giáo Hằng tận tụy với học sinh dân tộc thiểu số

Ngày đăng

Nếu ai đó đến thăm Trường Phổ Thông dân tộc Nội trú tỉnh Phú Yên vào các dịp lễ hội mà nhà trường tổ chức, sẽ gặp một cô giáo người dân tộc Kinh duyên dáng trong trang phục truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số. Và nếu thắc mắc vì sao cô hay diện những bộ sắc phục này thế, thì cô sẽ cười duyên trả lời: “Tôi yêu những học trò người đồng bào dân tộc thiểu số, vì thế tôi yêu những bộ trang phục truyền thống của các em. Mặc giống các em là cách để gần gũi và thấu hiểu các em nhanh nhất.” Đó chính là Tô Thị Thu Hằng, Phó hiệu trưởng Trường Phổ Thông dân tộc Nội trú tỉnh Phú Yên.  Một cô giáo yêu nghề, và hết lòng vì học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số.

Từ nhỏ, chứng kiến cảnh cơ cực thiếu thốn của các bạn học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số ở quê hương mình, cô Hằng đã có mơ ước được trở thành cô giáo. Lúc ấy, cô có thể giúp các em học sinh nghèo, đặc biệt là các em học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến với tri thức, đến với với những ước mơ tươi đẹp. Niềm mơ ước ấy trở thành hiện thực vào năm 1998, cô Hằng tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí  Minh, được phân công về Trường THPT Phan Bội Châu, ngôi trường có nhiều học sinh dân tộc thiểu số theo học.  Đến 2014, như một cái duyên, cô Hằng được điều về Trường  Phổ Thông dân tộc Nội trú tỉnh Phú Yên - ngôi trường chuyên biệt dành riêng cho con em người đồng bào dân tộc thiểu số trên toàn tỉnh theo học, vừa trực tiếp giảng dạy vừa làm công tác quản lý.

Cô Hằng tâm sự: “Được gắn bó với các em học sinh người dân tộc thiểu số là niềm hạnh phúc lớn lao nhưng công việc cũng rất vất vả. Các em sống xa gia đình, gia đình cũng khó khăn, ít có điều kiện xuống thăm. Các em nhớ nhà, chưa quen môi trường mới, rồi cả những chuyện của tuổi mới lớn nên thầy cô phải thực sự gần gũi, tận tâm và phải thực sự hiểu các em thì mới có phương pháp dạy và học phù hợp, hiệu quả.”

Chính tình yêu nghề cùng với nhiệt huyết của tuổi trẻ đã giúp cô Hằng vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy học và công tác quản lý. Với đức tính giản dị, dễ gần, cô luôn tạo cho học trò và đồng nghiệp cảm giác gần gũi, thân thiện và tin tưởng.

Luôn cố gắng học hỏi để hoàn thiện bản thân, mặc dù là mẹ của hai con nhỏ, có một bé đa tật bẩm sinh hơn 10 tuổi, luôn bận bịu, khó khăn trăm bề nhưng cô đã luôn cố gắng vừa thu xếp việc nhà, việc trường vừa tiếp tục học cao học tại  Khoa Đào tạo sau Đại học - Trường Đại học Huế và tốt nghiệp năm 2014 với tấm bằng xuất sắc.

Với vai trò là Phó hiệu trưởng chuyên môn của trường, cô Tô Thị Thu Hằng đã cùng Ban giám hiệu nhà trường và tập thể giáo viên góp phần cải thiện chất lượng giáo dục của trường trong những năm qua. Đặc biệt là những năm gần đây tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT và đậu đại học tăng rõ rệt. Năm 2018 có  92/93 học sinh (98,6%) đỗ tốt nghiệp trong đó có 76/92 học sinh (đạt 82,6%) đậu Đại học. Năm học 2018-2019 này nhà trường có 96/97 học sinh (98,9%) đỗ tốt nghiệp, trong đó có 83/96 học sinh (86,6%) đậu nguyện vọng 1 vào các trường Đại học. Đặc biệt, là hai năm học 2019-2020 và 2020-2021 nhà trường đạt 100% học sinh đậu tốt nghiệp. Trong đó có nhiều em đậu vào các trường an ninh, quân đội và y khoa như em Lê Thanh Hoài, em Tô Hồng Phong và em Chu Quốc Anh. Đó thực sự là những thành quả đáng mừng đối với ngôi trường dành riêng cho con em người đồng bào dân tộc thiểu số theo học.

Với học sinh, Cô Hằng cho rằng, dạy học không chỉ là truyền đạt những kiến thức, sự đam mê khoa học mà còn là truyền lửa của sự yêu thương. Cô luôn cố gắng tìm hiểu hoàn cảnh của học trò rồi lại tìm cách giúp đỡ các em. Phòng làm việc của cô luôn có các túi quần áo, những thùng quà của cô, của bạn bè và các mạnh thường quân được cô vận động về để dành cho các em. Mỗi khi cuối tuần, hay tết đến xuân về lại cùng đồng nghiệp tranh thủ về tận các buôn làng xa xôi thăm hỏi động viên gia đình của học trò nghèo.

Với đồng nghiệp, cô xác định “Thầy giỏi mới có trò giỏi”, “Thầy tốt mới dạy trò ngoan”, ở góc độ là Phó hiệu trưởng chuyên môn, cô cũng luôn khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để đồng nghiệp có thời gian, cơ hội để học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như thấu hiểu hoàn cảnh, sở trường của từng người để tham mưu với Hiệu trưởng phân công sắp xếp công việc sao cho hợp lý nhất để họ có điều kiện phát huy tốt nhất.

Cô Lê Thị Diễm, nhân viên phụ trách thư viện nhà trường chia sẻ: Về làm hợp đồng cho trường đã nhiều năm, là nhân viên hợp đồng nên nhiều lúc rất chán nản lo lắng mất việc nhưng đã luôn được chị động viên cố gắng. Rất may mắn là kỳ thi tuyển viên chức vừa rồi mình đã thi đậu. Sự may mắn đó một phần cũng nhờ sự động viên khích lệ tinh thần của chị Hằng trong thời gian qua.

Luôn khát khao sự đổi mới sáng tạo và không bằng lòng với chính mình, chị không ngừng học tập nghiên cứu. Và sự nỗ lực, cố gắng của chị đã được ghi nhận. Nhiều đề tài nghiên cứu sư phạm ứng dụng đạt cấp trường, cấp ngành. Nhiều năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Và gần đây nhất, chị tham gia Cuộc thi Sáng tạo kỷ thuật cấp tỉnh lần thứ 8 (2018-2019) cùng với các cô giáo Khoa hóa Trường Cao đẳng Công thương Miền trung, đề tài đạt giải 3 cấp tỉnh, đã được chọn để dự thi cấp Quốc gia. Thành tích này đã được Liên đoàn Lao động tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên tặng Bằng khen.

Chính sự say mê sáng tạo cùng nhiệt huyết cháy bỏng với nghề của cô giáo Tô Thị Thu Hằng đã lan tỏa đến các giáo viên trong trường. Điều đáng quí hơn cả ở cô, đó là tình cảm và sự tận tâm mà cô dành cho học trò và đồng nghiệp.

Tác giả: Bài và ảnh: Lý Thị Thủy

Để lại bình luận

beyond hair instagram laki hair wigs latex dress how to make hair extensions look natural with short hair 2c hair short latex dresses angel hair extensions where are chrome extensions stored mac latex clothes pink xpressions braiding hair london ontario hair extensions latex clothing uk
Top