• Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Liên hệ
logo
add image

Xây dựng văn hóa công nhân đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Ngày đăng

Văn hóa lao động, sản xuất, văn hóa giao tiếp, ứng xử, văn hóa giải trí, văn hóa gia đình và cộng đồng - vừa là những thành tố văn hóa quan trọng bao trùm lên đời sống của công nhân, vừa là yếu tố quan trọng làm nên vị thế, chất lượng cuộc sống của công nhân Việt Nam hiện nay.

Văn hóa công nhân vẫn là một khoảng trống về học thuật

Xây dựng giai cấp công nhân trở thành lực lượng đi đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một nhiệm vụ cấp bách, một hướng trọng tâm trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực.

Nếu như khởi đầu công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ công nhân lao động ở nước ta có khoảng 5 triệu người thì năm 2023, số lao động có việc làm đạt 51,3 triệu người, trong số đó, giai cấp công nhân Việt Nam có khoảng 14,8 triệu người, chiếm hơn 29% lực lượng lao động toàn xã hội.

Như vậy, quan tâm đến xây dựng văn hóa của công nhân là quan tâm đến kiến tạo hệ giá trị văn hóa của gần 1/3 lực lượng lao động của đất nước.

Xây dựng văn hóa công nhân đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Toàn cảnh hội thảo khoa học "Xây dựng văn hóa công nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhấn mạnh, văn hóa công nhân đang là một khoảng trống về học thuật, trong khi đời sống văn hóa công nhân đứng trước nhiều thách thức. Một bộ phận không nhỏ công nhân không có điều kiện thụ hưởng các giá trị văn hóa và càng không có cơ hội sáng tạo các giá trị văn hóa.

Khảo sát năm 2023 của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: 60% công nhân ở các khu công nghiệp không xem tivi, nghe đài; 85% không đọc sách, báo; 80% không tập thể dục, thể thao thường xuyên; 65% không tham gia vào các hoạt động văn nghệ quần chúng...

Xây dựng văn hóa công nhân đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại hội thảo "Xây dựng văn hóa công nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".

Các nghiên cứu, khảo sát cũng cho thấy điều kiện sống của người lao động còn nhiều khó khăn, các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí dành cho công nhân lao động chưa tương xứng với sự phát triển của các khu công nghiệp.

Nhà trọ dành cho người lao động nhập cư thuê đa số là tạm bợ, phần lớn không bảo đảm nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động. Do đó, người lao động dễ bị lôi kéo vào các hoạt động thiếu lành mạnh, tệ nạn xã hội luôn rình rập.

Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn chưa có bộ phận chuyên trách để xây dựng và trực tiếp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong công nhân lao động nên kết quả thực hiện vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Các hoạt động mang tính phong trào, theo thời điểm, có lúc chưa kịp thời, chưa thường xuyên, thiếu tính hệ thống, nhất là ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong các khu công nghiệp, bộc lộ một số bất cập mà chưa có biện pháp giải quyết hữu hiệu.

Vì vậy, đã xuất hiện một bộ phận công nhân sống buông thả, sa vào tiêu cực và tệ nạn xã hội. Tình hình trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, cờ bạc, mê tín dị đoan, ma túy, mại dâm đã xuất hiện ở nhiều khu công nhân...

PGS.TS Phạm Văn Dương - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, Tổng Biên tập Tạp chí nghiên cứu Văn hóa Việt Nam khẳng định, khi nói đến văn hóa của công nhân, bên cạnh các khía cạnh quan trọng như việc làm, mức thu nhập, đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân cũng là một khía cạnh quan trọng nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân.

Vì vậy, trong xây dựng văn hóa công nhân bao hàm ý kiến tạo các khía cạnh của đời sống văn hóa của công nhân như văn hóa tinh thần với các hoạt động cụ thể, trong đó, công nhân tham gia, tiếp nhận các quy tắc chung của doanh nghiệp, từ đó, tương tác, thực hành và kiến tạo nên chính văn hóa của công nhân, văn hóa của doanh nghiệp.

Các hoạt động đó bao gồm: văn hóa lao động, sản xuất, văn hóa giao tiếp, ứng xử, văn hóa giải trí, văn hóa gia đình và cộng đồng. Đây vừa là những thành tố văn hóa quan trọng bao trùm lên đời sống của công nhân, vừa là yếu tố quan trọng làm nên vị thế, chất lượng cuộc sống của công nhân Việt Nam hiện nay.

Góc văn hóa công nhân và kinh nghiệm thực tiễn

Thực tế, nhiều mô hình, sáng kiến thúc đẩy xây dựng, phát triển văn hóa công nhân đã và đang được công đoàn các cấp, địa phương triển khai.

Tại Thanh Hóa, mô hình “Góc văn hóa công nhân” là điểm nhấn trong quá trình hoạt động và phát triển của Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh, được triển khai trong suốt hơn 2 năm qua. Ông Ngô Thế Anh - Chủ tịch Công đoàn khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa cho biết, mô hình đã có mặt tại 7 doanh nghiệp thuộc Công đoàn Khu.

Nội dung “Góc văn hóa công nhân” thường bao gồm các khu vực: Đọc sách, tổ chức sinh nhật cho công nhân lao động, thưởng trà, thể thao, Check in, tra cứu thông tin trên Wifi miễn phí; khu vực tủ áo dài Công đoàn, công nhân lao động có nhu cầu sẽ được mượn áo miễn phí; Khu vực truyền thống văn hóa của doanh nghiệp.

Xây dựng văn hóa công nhân đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Ông Ngô Thế Anh - Chủ tịch Công đoàn khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa trình bày về mô hình "Góc văn hóa công nhân".

Theo ông Ngô Thế Anh, “Góc văn hóa công nhân” là địa điểm để công nhân lao động có không gian thư giãn sau giờ làm việc, từ đó nâng cao hiệu suất lao động, tăng cường đoàn kết, các hoạt động văn hóa, văn nghệ thúc đẩy tinh thần đồng đội và sự gắn bó giữa người lao động; xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, góp phần làm nổi bật giá trị văn hóa doanh nghiệp, tăng niềm tự hào của người lao động với tổ chức.

Đồng thời, đây cũng là nơi hỗ trợ học tập, bởi các tài liệu pháp luật, kỹ năng sống giúp người lao động nâng cao kiến thức và ý thức về quyền, nghĩa vụ của mình.

Xây dựng văn hóa công nhân đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Công nhân lao động trong giờ thư giãn tại "Góc văn hóa công nhân" ở Thanh Hóa.

Ông Ngô Thế Anh kỳ vọng, trong tương lai, những mô hình tương tự sẽ được nhân rộng và phát triển từ “góc” thành những “Nhà văn hóa cho người lao động”, “Khu văn hóa cho công nhân”.

Còn tại TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội cho biết, đến nay đã có 67 Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trên địa bàn thành phố. Cùng với đó là một số nội dung như: Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, Tủ sách Công đoàn, Tủ sách pháp luật, Góc thư giãn Công đoàn, Đường hoa Công đoàn...

Xây dựng văn hóa công nhân đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

Tại TP Cần Thơ, công đoàn tổ chức nhiều hoạt động thu hút đông đảo công nhân tập luyện thể dục với thông điệp “Khỏe để góp phần nâng cao năng suất lao động”; duy trì thường xuyên các hoạt động hội thao hoặc giải thể thao truyền thống với nhiều bộ môn thi đấu như: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, điền kinh, bơi lội, đua xe đạp...

Bên cạnh đó, nhiều cách làm hay, mô hình tốt thực hiện có hiệu quả góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần công nhân lao động được xây dựng, điển hình như: Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, Lễ cưới tập thể công nhân, hoạt động văn hóa công nhân trực tuyến, hoạt động chăm lo con đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn...

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Ngọ Duy Hiểu cho biết, ở nhiều ngành, nhiều địa phương đã có những mô hình rất tốt, tuy nhiên chưa thực sự phổ biến. Hiện nay chủ yếu là công tác chăm lo đời sống văn hóa ở các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước, còn mang tính lý thuyết. Do vậy, cần sớm có các cái giải pháp về mặt thực tiễn để nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân lao động, để lực lượng này thực sự đảm đương sứ mệnh là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

“Chúng tôi muốn gửi lại một thông điệp rằng làm thế nào cho công nhân có cuộc sống tốt hơn, để họ lao động, để họ cống hiến, họ đóng góp được nhiều hơn cho đất nước trong giai đoạn mới”, đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

 

Ngày 19/12, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp, chủ trì Hội thảo khoa học “Xây dựng văn hóa công nhân Việt Nam đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, đại diện 19 Công đoàn ngành Trung ương và một số LĐLĐ tỉnh, thành phía Bắc.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, cán bộ Công đoàn trao đổi, thảo luận, đánh giá về thực trạng, những thành tựu và hạn chế trong việc xây dựng văn hóa công nhân Việt Nam hiện nay; phân tích và làm rõ những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế đối với văn hóa công nhân Việt Nam; các giải pháp nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác xây dựng văn hóa công nhân Việt Nam với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; góp phần xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nguồn tin: https://laodongcongdoan.vn

Để lại bình luận

Top