• Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Liên hệ
logo
add image

Giữ nguyên thu kinh phí Công đoàn 2% là hợp tình, hợp lý

Ngày đăng

Đó là ý kiến của ông Đặng Ngọc Tùng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Lao Động.

Thưa ông, ý kiến của ông về quy định duy trì mức đóng kinh phí công đoàn 2% trong Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đang được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến?

- Tôi có thể khẳng định ngay rằng, tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm giữ nguyên quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ được quy định tại Khoản 2, Điều 26 Luật Công đoàn 2012.

Theo tôi, việc dự thảo Luật Công đoàn đang được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến có quy định cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn 2% là hợp tình, hợp lý, thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội với giai cấp công nhân, có tính kế thừa trong các quy định của pháp luật về công đoàn và đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của đoàn viên, người lao động (NLĐ).

Ông vừa đề cập đến việc thu kinh phí công đoàn 2% thể hiện được tính kế thừa trong các quy định của pháp luật về công đoàn. Xin ông có thể nói rõ hơn về việc này?

- Năm 1957, khi đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược, mặc dù tình hình khi đó còn rất nhiều khó khăn, nhiều việc cần giải quyết, nhưng với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, Bác Hồ đối với giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn, Quốc hội đã thông qua Luật Công đoàn. Đây là một trong số rất ít luật được Quốc hội thông qua khi đó. Trong đó Khoản c, Điều 21 Luật Công đoàn 1957 đã quy định “Quỹ công đoàn gồm tiền trích hàng tháng trong quỹ của xí nghiệp Nhà nước, cơ quan, trường học, chủ xí nghiệp tư bản tư doanh dành cho công đoàn bằng một tỉ lệ nhất định của tổng số lương cấp phát cho toàn thể công nhân, viên chức”.

Theo tôi đây là một quy định mang tính ưu việt, nhân văn và chỉ có các nước theo Chủ nghĩa xã hội trên thế giới mới có quy định về việc đóng kinh phí công đoàn như thế này. Kế thừa quy định trên, liên tục từ năm 1957 đến nay, các quy định của pháp luật về công đoàn đều quy định về việc đóng kinh phí công đoàn. Đảng, Nhà nước ta đã lựa chọn và duy trì mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12.6.2021 của Bộ Chính trị “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” cũng đã nêu rõ xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn. Trong đó nhấn mạnh: “Duy trì các nguồn lực hiện có; thu kinh phí công đoàn và khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.

Do đó, việc duy trì thu kinh phí công đoàn 2% là có tính kế thừa lịch sử và phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của đất nước, quan điểm của Bộ Chính trị.

Ông có thể nói rõ hơn vai trò, giá trị của kinh phí công đoàn đối với hoạt động của tổ chức Công đoàn và đoàn viên, người lao động?

- Trước hết, có thể nói kinh phí công đoàn 2% do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng không phải là tiền của doanh nghiệp chịu. Chi phí này được pháp luật cho phép hạch toán vào giá thành của sản phẩm, như vậy là người tiêu dùng sẽ trả tiền cho chi phí này, chứ không phải doanh nghiệp.

Tài chính công đoàn hiện có hai nguồn thu chính từ đoàn phí do đoàn viên đóng và kinh phí do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng. Tuy nhiên, đoàn phí chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ trong tài chính công đoàn. Các khoản chi từ tài chính công đoàn để chăm lo cho đoàn viên, NLĐ chiếm phần lớn trong tài chính công đoàn, còn phần chi cho hoạt động của tổ chức Công đoàn ít hơn nhiều.

Một ví dụ rất rõ và điển hình, lúc dịch COVID-19 bùng phát và gây nhiều hệ lụy mới đây, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã nhanh chóng, kịp thời chi chăm lo cho hàng triệu đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng việc làm, đời sống và con cái của họ. Rồi trong đợt doanh nghiệp bị ảnh hưởng đơn hàng do suy thoái kinh tế toàn cầu, hàng triệu NLĐ bị mất việc, tạm dừng việc, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã kịp thời chăm lo cho đoàn viên, NLĐ.

Hay trong các dịp Tết cổ truyền, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình Tết sum vầy đưa đoàn viên, NLĐ về quê ăn Tết, sum họp cùng gia đình, tặng quà, chăm lo những hoàn cảnh khó khăn… Tất cả những chăm lo đó, đều sử dụng tài chính công đoàn, trong đó phần lớn là từ kinh phí công đoàn. Những việc làm đó đã giúp đoàn viên, NLĐ tin yêu hơn vào tổ chức Công đoàn Việt Nam, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tiến bộ.

Thưa ông, có ý kiến băn khoăn về việc sử dụng tài chính công đoàn và xem việc đóng kinh phí công đoàn 2% như là một “sắc thuế”. Quan điểm của ông như thế?

- Việc hiểu đóng kinh phí công đoàn 2% như là một “sắc thuế” là không đúng. Ngoài ra, việc Kiểm toán tài chính công đoàn đã được thực hiện từ nhiều năm qua, chứ không phải đến bây giờ mới được đề xuất.

Ngay từ năm 2014, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có quy định về việc điều chỉnh tỉ lệ % kinh phí công đoàn các cấp cho phù hợp, ưu tiên chi cho cơ sở, theo đó tăng tỉ lệ % kinh phí công đoàn để lại cho CĐCS hàng năm và hiện nay là mức 75%, đồng thời giao quyền chủ động sử dụng tài chính công đoàn cho CĐCS. Theo tôi, các quy định về sử dụng tài chính công đoàn cần tăng cường giao quyền chủ động chi tiêu cho CĐCS cho phù hợp với thực tiễn hoạt động của cơ sở, đáp ứng tối đa mong muốn, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ tại cơ sở.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn tin: https://laodong.vn

Tác giả: NAM DƯƠNG

Để lại bình luận

Top