• Trang chủ
  • Giới thiệu
  • Liên hệ
logo
add image

Diễn văn kỷ niệm 410 năm Phú Yên hình thành và phát triển

Ngày đăng

Tại lễ Kỷ niệm 410 năm Phú Yên hình thành và phát triển (1611 - 2021) diễn ra tại Nhà Văn hóa Diên Hồng (TP Tuy Hòa) vào sáng 1/4, đồng chí Phạm Đại Dương - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã có bài diễn văn ôn lại chặng đường lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh. Cổng Thông tin điện tử tỉnh trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu này.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh,

Kính thưa Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân,

Thưa đồng bào, đồng chí,

Từ những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học hàng đầu về lịch sử, văn hóa, dân tộc học của đất nước và của tỉnh nhà, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên khóa XIII đã có nghị quyết chọn năm 1611 là mốc niên đại đánh dấu sự hình thành đơn vị hành chính với danh xưng Phú Yên xưa, tỉnh Phú Yên ngày nay. Đồng thời, hàng năm lấy ngày 1 tháng 4 - Ngày giải phóng tỉnh Phú Yên làm ngày kỷ niệm thành lập tỉnh.

Hôm nay, trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, chúng ta bồi hồi, xúc động cùng nhau hướng về quá khứ, ôn lại chặng đường lịch sử 410 năm hình thành và phát triển tỉnh Phú Yên. Đây là dịp để mỗi người dân Phú Yên hôm nay thể hiện tình cảm và đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ lòng biết ơn công lao của các thế hệ ông cha đã dày công khai phá, tạo dựng, giữ gìn và phát triển vùng đất Phú Yên hơn bốn thế kỷ qua. Đây cũng là dịp để chúng ta khơi dậy và phát huy hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, sức mạnh của các giá trị tinh thần, truyền thống quý báu của nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Yên được hun đúc và lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Thưa đồng bào và đồng chí,

Ngược dòng lịch sử, kể từ mùa Xuân năm 1597, những lưu dân người Việt đầu tiên từ vùng Thanh - Nghệ - Thuận - Quảng theo Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh vào khai khẩn, mở mang vùng đất trấn biên từ đèo Cù Mông đến đèo Cả, sinh cơ lập nghiệp. Ngay từ buổi đầu, họ đã nhanh chóng hòa nhập với các cư dân bản địa, đoàn kết, đồng tâm hiệp sức, giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống và đối phó với thiên tai, thú dữ. Họ đã cùng nhau tiến hành việc khai khẩn đất đai gắn liền với quy dân lập ấp. Những tụ điểm dân cư được hình thành theo các thung lũng, triền núi thấp, vùng châu thổ sông Cái, sông Đà Rằng, sông Bàn Thạch cho đến vùng cao nguyên phía Tây gần với dãy Trường Sơn. 

Để chống thiên tai hạn hán, lũ lụt, nhân dân các dân tộc đã cùng nhau làm hồ, đắp đập, đào mương dẫn nước, khai thác các điều kiện tự nhiên để phát triển thành một vùng nông nghiệp trù phú. Các nghề thủ công như: mộc, rèn, làm đồ gốm, tơ tằm, dệt vải, làm mía đường, làm nước mắm… cũng hình thành để phục vụ nhu cầu đời sống của nhân dân. Sản phẩm của cư dân miền xuôi được đưa lên theo dòng sông Ba, sông Cái, trao đổi thổ sản với miền ngược, như câu ca dao đã phản ánh: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”. 

Từ những tụ điểm dân cư ban đầu ấy dần dần phát triển thành các làng, xã. Mối quan hệ giữa các dòng họ, các cá nhân trong làng, xã rất hòa thuận, đoàn kết. Họ đến vùng đất mới với ước mơ xây dựng một cuộc sống bình yên, tự do, hòa đồng và nhân ái. Với ý chí và sức mạnh từ sự đoàn kết gắn bó của nhân dân các dân tộc, đến đầu thế kỷ 17, vùng đất Trấn biên đã trở nên trù phú, xóm làng đông đúc trải dài từ Cù Mông đến núi Đá Bia, là cơ sở để triều đình thành lập phủ Phú Yên với hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa vào năm 1611. Trải qua thời gian hơn bốn thế kỷ, với biết bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, tên gọi Phú Yên vẫn giữ nguyên không đổi cho đến ngày nay.

Thưa đồng bào và đồng chí,

Công cuộc khai khẩn, mở mang vùng đất Phú Yên thuở ban đầu gắn liền với tên tuổi danh nhân Lương Văn Chánh. Nhờ tiếp thu được những kinh nghiệm và bài học t lịch sử của dân tộc, nên tiền nhân Lương Văn Chánh đã lấy việc ổn định và phát triển đời sống nhân dân làm cơ sở chủ yếu cho sự phát triển của vùng đất trấn biên thời bấy giờ. Đó là tư tưởng “Dân an, quốc thái”, một tư tưởng tiến bộ và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Thành quả to lớn trong công cuộc chiêu mộ, di dân, lập ấp, khẩn hoang cho thấy, Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh là một con người gắn bó với đất nước, gắn bó với nhân dân, một người văn võ song toàn, một vị “Thành hoàng” trong trái tim của bao thế hệ người Phú Yên. Nhân dân Phú Yên mãi mãi tôn kính, hết lòng biết ơn và tưởng nhớ đến Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh.

Đến thời triều Nguyễn, thế hệ người Việt, người Chăm, người Êđê, người Bana và cả người Hoa sinh sống trên vùng đất Phú Yên đã cùng hưởng vui buồn, cùng chịu đói no, cùng chia ấm lạnh, sát cánh bên nhau, chung lưng đấu cật, góp sức xây dựng, phát triển quê hương. Trong quá trình cộng cư, đã diễn ra sự giao thoa văn hóa giữa các tộc người anh em, tạo nên nét văn hóa độc đáo. Một kho tàng di sản văn hóa dân gian với những câu hò, điệu múa, lễ hội, phong tục, tập quán… được các thế hệ người dân Phú Yên sáng tạo trong quá trình cần cù lao động, tự lực tự cường vượt qua khó khăn, đùm bọc nhau khai phá đất đai, lập làng, lập ấp nên thực sự thấm đẫm tình người. Do đặc điểm về địa lý tự nhiên, Phú Yên hội tụ đầy đủ các yếu tố văn hóa núi rừng, đồng bằng và ven biển. Nét đặc sắc của văn hóa Phú Yên là sự đan xen, giao thoa, hòa quyện nhiều nền văn hóa và của nhiều tộc người đang cùng chung sống trên địa bàn.

Thưa đồng bào và đồng chí,

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân Phú Yên tự hào đã góp phần xứng đáng cùng nhân dân cả nước viết nên những trang sử oai hùng, vẻ vang của dân tộc. Các di tích và tư liệu lịch sử có liên quan đến phong trào Tây Sơn và triều Nguyễn trên đất Phú Yên đến nay vẫn còn hiện hữu cùng thời gian cũng như trong ký ức của người dân. Các cuộc chinh chiến liên miên cuối thế kỷ 18 trên vùng đất này còn đọng lại với truyền thuyết Vọng phu, với những câu ca dao đầy nước mắt “Tiếng ai than khóc nỉ non, Ấy vợ chú lính trèo hòn Cù Mông”.

Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu bị thực dân xâm lược và thống trị, nhân dân Phú Yên đã anh dũng đứng lên cùng với nhân dân cả nước đấu tranh kiên cường bất khuất, quyết giành độc lập, tự do cho quê hương, đất nước. Nhiều cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra, nhiều phong trào cứu quốc đã ra đời, nhiều người con ưu tú đã hy sinh oanh liệt.

Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi, chí sĩ Lê Thành Phương cùng một số sĩ phu, văn thân yêu nước ở Phú Yên đã đứng lên tập hợp lực lượng nghĩa quân, dựng cờ khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược. Cuộc khởi nghĩa lan rộng đến Khánh Hòa, Bình Thuận, làm cho giặc Pháp và tay sai run sợ, phải tập trung lực lượng lớn để dìm cuộc khởi nghĩa vào biển máu. Danh nhân Lê Thành Phương đã nêu cao tấm gương sáng ngời về tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất và hy sinh anh dũng vì độc lập, tự do của dân tộc. Lời nói bất hủ của chí sĩ Lê Thành Phương trước lúc hy sinh: “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” - “Thà chết chứ không chịu sống nhục” sẽ còn vang vọng ngàn thu như một lời thề son sắt quyết tử của nhân dân Phú Yên trước mọi kẻ thù xâm lược. Tiếp theo cuộc khởi nghĩa của Lê Thành Phương là những cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hào Sự, Võ Trứ, của Ma Bí, Săm Brăm… Đặc biệt là cuộc khởi nghĩa của thủ lĩnh Săm Brăm người Chăm ở miền Tây Phú Yên đã ảnh hưởng lan rộng đến nhiều tỉnh Tây Nguyên, tạo ra phong trào chống Pháp trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Tuy các cuộc khởi nghĩa cuối cùng bị thất bại nhưng đó là những trang sử vẻ vang, hào hùng của nhân dân Phú Yên. Chính các bậc tiền bối đã một thời đứng lên quật khởi oanh liệt chống ngoại xâm đã tỏa sáng hào khí yêu nước Phú Yên, họ là những tấm gương trung liệt mà các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau mãi mãi khắc ghi, đời đời tưởng nhớ.

Thưa đồng bào và đồng chí,

Từ khi có Đảng lãnh đạo, trải qua các cao trào cách mạng 1930 - 1931, cao trào đấu tranh chính trị 1936 - 1939 và cao trào kháng Nhật cứu nước, tiến tới giải phóng dân tộc 1940 - 1945 do Đảng phát động và lãnh đạo, ở Phú Yên đu liên tục có những phong trào đấu tranh mạnh mẽ, rộng khắp góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi vang dội của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa thực dân và phong kiến, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á - nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tiếp đó, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954), Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã anh dũng chiến đấu, đánh lui nhiều cuộc càn quét, lấn chiếm của địch, giữ vững vùng tự do, xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc, một địa bàn chiến lược phía Nam Liên khu 5, góp phần đánh bại chiến dịch Át-lăng của địch. Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Phú Yên không chỉ tự lo cho mình mà còn là hậu phương trực tiếp của các chiến trường Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Các chiến thắng ở Đèo Cả - Phú Khê, Sông Ba - Trường Lạc, Suối Cối - Xuân Quang… sẽ còn mãi với sử xanh; những đơn vị bộ đội Cụ Hồ như Tiểu đoàn “Lá Mít”, Trung đoàn 80-83 sẽ còn sống mãi trong tâm tưởng nhân dân.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã kiên cường bám trụ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ và hy sinh, viết tiếp trang sử vàng chói lọi bằng những chiến công hiển hách. Trong cuộc chiến đấu một mất một còn ấy, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự của Đảng, kết hợp giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, đánh địch bằng ba mũi giáp công, kết hợp ba thứ quân trên cả ba vùng chiến lược, liên tục tấn công nổi dậy và tấn công giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn… Chúng ta có quyền tự hào, trong 21 năm kháng chiến cực kỳ gian khổ và ác liệt, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã lập nên biết bao kỳ tích anh hùng: Đồng khởi Hòa Thịnh tháng 12/1960, mở đầu phong trào đồng khởi ở đồng bằng Khu 5; giải thoát Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tháng 10/1961; tiếp nhận vũ khí từ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa chi viện chiến trường miền Nam bằng những con tàu không số tại Vũng Rô (1964 - 1965); chiến thắng Gò Thì Thùng năm 1966; tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; từ khởi nghĩa từng phần phát triển thành chiến tranh cách mạng, làm nên chiến thắng Đường 5 lịch sử, giải phóng tỉnh Phú Yên vào ngày 1/4/1975, cùng với quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ôn lại những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy để cùng tưởng nhớ về sự hy sinh, mất mát của biết bao đồng bào, đồng chí. Chúng ta mãi mãi biết ơn bao người mẹ, người chị vừa chiến đấu gan góc với kẻ thù, bằng tay không vẫn dũng cảm chặn xe tăng giặc, vừa lặng lẽ gạt nước mắt đưa tiễn hết chồng, rồi đến con ra đi chiến đấu mà không hẹn được ngày về.

Chúng ta cũng không bao giờ quên sự chi viện của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, sự hy sinh to lớn của những người con ưu tú của cả nước trên mảnh đất Phú Yên, trong đó có lớp lớp con em của tỉnh Hải Dương kết nghĩa. Tỉnh Phú Yên nguyện sẽ mãi thủy chung tình nghĩa, sẽ phấn đấu vươn lên giàu mạnh để xứng đáng với sự hy sinh của các anh, các chị vì mảnh đất quê hương thứ hai này.

Thưa đồng bào và đồng chí,

Đã 46 năm kể từ sau ngày giải phóng tỉnh Phú Yên, từ những ruộng đồng hoang hóa đầy bom mìn, những đống tro tàn của xóm làng, thôn, buôn sau chiến tranh, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Đặc biệt, từ khi thực hiện đường lối đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã đạt được những thành tựu bước đầu rất quan trọng, tạo tiền đề để tỉnh Phú Yên phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.

Phú Yên đã trải qua 410 năm hình thành và phát triển, biết bao thế hệ tiền nhân đã từng đổ mồ hôi, nước mắt và cả xương máu để bảo vệ, dựng xây, tô điểm vùng đất này ngày càng giàu đẹp. Thế hệ này kế tiếp thế hệ kia, thế hệ trước để lại cho thế hệ sau những ý chí và tư tưởng, những kinh nghiệm và tấm gương, góp phần tạo nên giá trị truyền thống đẹp đẽ của con người và mảnh đất Phú Yên. Đó là sự đoàn kết gắn bó, chia ngọt sẻ bùi của các dân tộc cộng cư ở Phú Yên mà không có thế lực nào chia rẽ được, từ trong đấu tranh chống ngoại xâm đến việc xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đó là tình làng nghĩa xóm, đùm bọc nhau khi tối lửa tắt đèn, có thể thiếu thốn về vật chất nhưng giàu về nhân nghĩa, tình người trong cuộc sống cộng đồng. Đó là chủ nghĩa yêu nước vô song khi có kẻ thù xâm lược thì già trẻ, gái trai và các dân tộc đều chung sức, chung lòng đánh đuổi kẻ thù với tinh thần “thà chết quyết không chịu nhục”. Đó là bản chất cần cù lao động, chân chất, tình nghĩa thủy chung, tự lực tự cường, vượt khó vươn lên của nhân dân các vùng trong tỉnh. Từ khi có Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, truyền thống đó càng được phát huy, nhân rộng, nhân dân Phú Yên đều một lòng, một dạ tin Đảng và theo Đảng làm nên nhiều kỳ tích trong sự nghiệp giữ nước và xây dựng quê hương.

Trải qua bao thăng trầm và biến đổi, Phú Yên hôm nay đang từng ngày đổi mới và phát triển trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Kinh tế tỉnh có bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng luôn duy trì ở mức khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không ngày càng được hoàn thiện đồng bộ, mạng lưới giao thông được trải đều khắp các địa bàn trong tỉnh, kết nối thông suốt với các tỉnh lân cận. Hạ tầng thủy lợi được đầu tư đồng bộ, phát triển theo hướng đa mục tiêu phục vụ cho nông nghiệp, công nghiệp. Hệ thống điện, nước, bưu chính viễn thông được mở rộng đến các xã, thôn, buôn, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Giáo dục - Đào tạo được mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng; mạng lưới y tế không ngừng được củng cố và phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động đạt kết quả tích cực. Công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng bảo trợ xã hội đảm bảo đầy đủ, kịp thời; tỉ lệ hộ nghèo ngày càng giảm. Hoạt động văn hóa, thông tin cơ bản phục vụ tốt nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân. Quốc phòng, an ninh luôn được củng cố và tăng cường, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả. Phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được đổi mới, nâng cao. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng được chú trọng, triển khai có hiệu quả, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân ổn định.

Hiện nay, du lịch đã và đang trên đà phát triển, dần trở thành ngành kinh tế quan trọng, mũi nhọn của tỉnh. Các di tích, danh thắng như Tháp Nhạn, Gành Đá Đĩa, Mũi Đại Lãnh - Bãi Môn, Hòn Yến, Vịnh Xuân Đài, Vũng Rô… đang là điểm đến mới và thu hút du khách trong hành trình du lịch qua dải đất miền Trung. Đặc biệt, vào năm 2017, Nghệ thuật Bài chòi của 10 tỉnh Trung bộ, trong đó có Phú Yên được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; năm 2018, di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Và hôm nay, tỉnh Phú Yên rất vinh dự được đón nhận bằng di tích Quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa - một danh thắng thiên nhiên độc đáo và được xem là “độc nhất vô nhị” ở nước ta. Gành Đá Đĩa là khu vực có điều kiện địa chất mang tính đặc thù với loại đá bazan được hình thành do quá trình phun trào núi lửa gặp các điều kiện thích hợp đã tạo thành đá dạng cột có mặt cắt hình ngũ giác, hình lục giác phân bố trên một diện tích tương đối rộng bên bờ biển. Theo một số chuyên gia về địa chất, tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, một vài địa điểm cũng xuất lộ bazan dạng cột do quá trình hoạt động núi lửa như ở Đắk Lắk, Đắc Nông, Quảng Ngãi. Tuy nhiên bazan dạng cột ở những địa phương trên không có được vẻ đẹp độc đáo như ở Gành Đá Đĩa. Bên cạnh giá trị về mặt địa chất, cảnh quan thiên nhiên độc đáo, danh thắng Gành Đá Đĩa còn có giá trị về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa đặc trưng của cư dân vùng ven biển. Đó chính là những điều kiện quan trọng để du lịch Phú Yên phát triển một cách bền vững.

  Những kết quả đạt được nêu trên một lần nữa khẳng định ý chí, quyết tâm, tinh thần vượt khó, năng động, sáng tạo, là tiền đề vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phú Yên tự tin trên con đường hội nhập và phát triển.

Thưa đồng bào và đồng chí,

Lịch sử là một dòng chảy vô tận từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Chúng ta tự hào về lịch sử 410 năm và truyền thống tốt đẹp của quê hương mình. Lớp lớp ông cha ta đã dành tâm huyết, trí tuệ và tài năng để xây dựng mảnh đất này nhằm mưu cầu hạnh phúc, phồn vinh cho muôn đời con cháu. Các thế hệ đó hiện nay dù thể phách không còn, nhưng tinh anh thì trường tồn mãi mãi. Tinh anh ấy đã tạo nên sức sống mãnh liệt của một vùng đất, là ngọn lửa thần kỳ sáng mãi với thời gian, là những giá trị vật chất và tinh thần vô cùng quý báu tiếp tục nuôi dưỡng tâm hồn, khí khách của tất cả chúng ta.

Chặng đường phía trước đang mở ra cho Phú Yên nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít gian nan, thách thức. Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh, tôi kêu gọi các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng của quê hương, chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, xây dựng quê hương Phú Yên của chúng ta sớm trở thành một tỉnh phát triển và giàu đẹp của Tổ quốc Việt Nam, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển mạnh mẽ của đất nước.

  Kính chúc các đồng chí đại biểu, cùng đồng bào và đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

Nguồn tin: https://phuyen.gov.vn/

Để lại bình luận

beyond hair instagram laki hair wigs latex dress how to make hair extensions look natural with short hair 2c hair short latex dresses angel hair extensions where are chrome extensions stored mac latex clothes pink xpressions braiding hair london ontario hair extensions latex clothing uk
Top